Xem thêm bình luận
Tường Ngân
🌼SERIES CHUYỆN CẢM - HO - SỔ MŨI CỦA TRẺ (KỲ 1) 🌼

📣Để giải đáp những thắc mắc của phụ huynh xoay quanh các câu chuyện về chuyện Cảm - Ho -Sổ mũi của trẻ, Fanpage Dr. Nguyễn Trí Đoàn xin phép đăng lại SERIES CHUYỆN CẢM - HO - SỔ MŨI CỦA TRẺ, được trích từ sách “Để con được ốm” của Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn.
-----------

🍀Hiện nay, câu chuyện trẻ bị cảm và uống kháng sinh đã trở thành một điều quá quen thuộc. Tôi nghĩ điều này là vì cha mẹ thường có tâm lý quá lo lắng và sốt ruột mỗi khi con ốm, nên thường lựa chọn cách thức mà cha mẹ cho là tốt nhất và nhanh nhất để trị bệnh cho con. Tất nhiên tâm lý lo lắng này là hoàn toàn bình thường và sẽ không là vấn đề nếu kháng sinh không có tác dụng phụ nào. Thế nhưng, rất tiếc là khoa học đã chứng minh kháng sinh gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ, mà nặng nhất là có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi trẻ bị rơi vào tình trạng “đề kháng kháng sinh”. Do đó, đây là lúc cha mẹ nên tìm hiểu để bổ sung những kiến thức cần thiết nhất định để trở thành bác sĩ tại gia cho con, giúp giảm thiểu việc cho trẻ uống “nhầm” kháng sinh nếu không đúng bệnh.

🌺CÂU CHUYỆN 1: CẢM KHÔNG PHẢI DO BỊ LẠNH

✅Có nhiều người nghĩ rằng, các bệnh cảm-ho-sổ mũi là do bị lạnh vì từ gốc tiếng Anh là “COLD” – nghĩa là cảm lạnh. Nhưng đó là hồi xưa, chưa có khoa học hiện đại người ta nghĩ vậy. Còn hiện nay, khoa học đã chứng minh được, cảm không phải là do không khí lạnh, gió lạnh hay ngấm mưa, ngấm nước lạnh, mà chỉ có một nguyên nhân duy nhất là do siêu vi, vi khuẩn lây vào đường hô hấp qua (cửa ngõ) mắt, mũi, miệng. Tuy nhiên, người ta vẫn dùng từ gốc “cold” để gọi bệnh cảm, nên dễ gây ra hiểu nhầm.

✅Ở một góc độ khác, “cảm” là từ thông dụng trong cuộc sống mọi người thường dùng để hiểu. Còn về mặt chuyên môn, bác sĩ phải sử dụng khái niệm “viêm” để xác định triệu chứng bệnh của trẻ như: bị cảm gây ra sổ mũi thì gọi là viêm mũi, gây đau họng thì gọi là viêm họng, vừa sổ mũi vừa đau họng thì gọi là viêm hô hấp trên, ảnh hưởng đến thanh quản thì gọi là viêm thanh quản, ảnh hưởng đến khí quản thì gọi là viêm khí quản,…và nguyên nhân đa số là do siêu vi.

✅Cảm-ho-sổ mũi là bệnh rất phổ biến ở trẻ, nhất là ở trẻ độ tuổi đi học mầm non. Thống kê cho thấy, mỗi năm trẻ sẽ bị cảm từ 10-12 lần, nghĩa là trung bình mỗi tháng một lần. Nhưng tùy theo từng trẻ mà tỷ lệ mắc bệnh trung bình từ 2 tháng/lần đến 2 lần/tháng. Trẻ mắc bệnh nhiều lần vì có đến gần 200 loại siêu vi gây ra bệnh cảm, trẻ bị lây hết loại siêu vi này đến loại siêu vi khác nên bị cảm hoài. Khi trẻ bị cảm sẽ có thể có rất nhiều triệu chứng và biểu hiện bệnh khác nhau, nhưng hầu như trẻ đều bị sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm, khàn tiếng, đỏ mắt và có thể sốt.

✅Trong thực tế, đối với trẻ đi học mầm non, nguyên nhân lây bệnh nhiều nhất là do trẻ hắt hơi, ho mà không biết che miệng, nước bọt văng ra dính vào những nơi trẻ hay dùng tay để tiếp xúc như đồ chơi, nắm cửa, hoặc trẻ vô tư đưa tay lên quẹt mũi mà không được rửa, tay bị dính siêu vi. Sau đó, trẻ lại đưa tay lên miệng, dụi mắt hay ngoáy mũi thì sẽ vô tình đưa siêu vi vào người và bị nhiễm bệnh.
------

🌺CÂU CHUYỆN 2: BỆNH CÚM

Thông thường, mọi người cũng thường bị nhầm lẫn giữa cảm và cúm.

Cúm là do nhiễm siêu vi cúm, triệu chứng cũng có ho, sổ mũi giống cảm nhưng không nhiều, đồng thời cúm còn có các triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, đau nhức mình mẩy, nhức đầu.

Nhiễm cúm A có biểu hiện bệnh nặng nhất, mất vài ngày cơ thể mới đỡ và mất khoảng một tuần sau cơ thể mới có thể cân bằng trở lại. Trong khi nhiễm cúm B và cúm C thì biểu hiện triệu chứng rất nhẹ, giống như bị cảm do siêu vi khác.
--------

🌺CÂU CHUYỆN 3: HO VÀ SỔ MŨI TỐT CHO CƠ THỂ CỦA TRẺ

☑️Một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ bị cảm là ho. Ho là phản xạ BẢO VỆ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay siêu vi ra khỏi đường thở (phế quản) trong phổi và giúp phòng ngừa viêm phổi, chứ không phải ho nhiều làm cho trẻ bị viêm phổi như một số “lý luận ngược”. Do đó, ho là một triệu chứng tốt cho cơ thể. Nếu phản xạ này bị cắt đi, trẻ sẽ có nguy cơ bị suy hô hấp và viêm phổi. Tương tự vậy, triệu chứng sổ mũi hay hắt hơi (và có thể đỏ mắt hay ghèn mắt) là những phản ứng giúp cơ thể loại bỏ siêu vi xâm nhập vào đường hô hấp và giúp mau lành bệnh.

☑️Trong một đợt cảm siêu vi, sổ mũi, nghẹt mũi hay chảy nước mắt (đỏ mắt) thường kéo dài khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Giai đoạn đầu của một đợt cảm, trẻ sẽ ho khan, ho in ít. Sau khoảng 4-5 ngày, hệ thống niêm mạc trong đường thở, trong cổ họng, phế quản… sẽ tiết ra những chất nhầy đờm để tiêu diệt siêu vi và cường độ ho sẽ tăng rất nhiều. Thông thường, vào ngày thứ 5-6, trẻ ho rất dữ dội, đây cũng là lúc trẻ sắp hết ho. Cơn ho do cảm siêu vi thường kéo dài 2 tuần, thậm chí có trường hợp kéo dài 3 tuần.

☑️Tuy nhiên, trẻ ho đến ngày thứ 5-6 là cha mẹ đã tìm cách để cắt cơn ho của trẻ, sử dụng các bài thuốc trị ho dân gian hay siro trị ho. Nhưng như đã nói trên, nếu trẻ được cho uống thuốc giảm ho mà có tác dụng thì trẻ có nguy cơ bị viêm phổi bởi phản xạ để bảo vệ phổi là ho đã bị cắt đi. May mắn rằng, đa số những thuốc trị ho hiện nay trên thị trường đều không có tác dụng. Dẫu thế, cha mẹ cũng không nên dùng thuốc trị ho cho trẻ vì những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của trẻ.
------

🌺CÂU CHUYỆN 4: KHÔNG DÙNG THUỐC TRỊ HO-SỔ MŨI CHO TRẺ DƯỚI 2 TUỔI

Tôi phải nhắc nhở cha mẹ điều này là vì đã có một số nghiên cứu so sánh nhóm sử dụng thuốc giảm ho với nhóm sử dụng giả dược (placebo), theo đó, kết quả là thời gian bị ho cảm của hai nhóm là như nhau. Tuy nhiên, nhóm sử dụng THUỐC GIẢM HO có biểu hiện SUY HÔ HẤP nhiều hơn nhóm dùng giả dược. Chưa kể còn có một số tác dụng hiếm gặp đối với những trẻ có khả năng bị ngộ độc nguy hiểm tính mạng. Điều này là do trong thành phần của thuốc giảm ho có một hoạt chất thuộc nhóm thuốc như á phiến (chất dextromethorphan). Dù rằng chất này được cho là không gây ra biến chứng như á phiện hay ngộ độc á phiện, tuy nhiên, trong một số ít trường hợp dextromethorphan vẫn có thể gây ra ngộ độc giống á phiện và gây tử vong cho trẻ.

Vào năm 2004 khi tôi còn làm việc tại khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2, có một bé nhập viện cấp cứu vì bị ngưng tim ngưng thở. Bé đó được chẩn đoán bị ngộ độc chất thuộc nhóm á phiện, với những triệu chứng đặc trưng như ngưng thở, hôn mê và đồng tử co nhỏ như đinh ghim. Ngay sau khi chúng tôi tiêm thuốc giải độc á phiện (naloxone) thì bé đó tỉnh lại ngay tức khắc (trong vòng một vài giây) và tự thở được. Chúng tôi yêu cầu người nhà đem những thuốc bé đã uống vào thì phát hiện ra bé đã uống thuốc ho dimetapp có chứa chất dextromethorphan này. Chất dextromethorphan này có trong khá nhiều loại thuốc giảm ho được bán “thoải mái” tại Việt Nam.

Do đó, vào năm 2006, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành một lệnh cấm là không cho trẻ dưới 2 tuổi uống thuốc trị ho và trị nghẹt mũi bởi có một số báo cáo cho thấy, có khoảng ba trẻ bị tử vong do uống thuốc trị nghẹt mũi. Đồng thời, báo cáo không thấy có lợi ích từ việc cho trẻ uống thuốc ho, ngược lại một vài trường có hại từ một số chất trong thuốc giảm ho. Đến năm 2008, FDA ban hành luật mới để nâng số tuổi không được sử dụng thuốc trị ho và nghẹt mũi lên 4 tuổi. Trên 4 tuổi cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ.

Các loại thuốc bị cấm sử dụng để giảm ho hay sổ mũi cho trẻ nhỏ bao gồm các thuốc thông mũi như ephedrine, pseudoephedrine, hoặc phenylephrine, và các thuốc kháng histamine diphenhydramine, brompheniramine, hoặc chlorpheniramine. Chlorpheniramine là thuốc kháng histamine (anti-histamine), dùng để giảm triệu chứng dị ứng (sổ mũi do dị ứng hay viêm mũi dị ứng, nổi mẩn ngứa hay mề đay do dị ứng). Các thuốc kháng histamine không có tác dụng trong trường hợp làm giảm ho hay sổ mũi do cảm siêu vi.

Trong trường hợp bị ho, sổ mũi do cảm siêu vi, nếu sử dụng thuốc kháng histamine này thì sẽ tăng nguy cơ bị SUY HÔ HẤP hay VIÊM PHỔI, bởi thay vì phải làm loãng đờm ra để trẻ ho tống ra được thì thuốc (có tác dụng phụ) làm đặc đờm lại và tắc đờm trong phổi khiến trẻ không thể tống đờm ra. Thuốc chlorpheniramine này không sử dụng ở trẻ DƯỚI 2 tuổi bởi có thể làm trẻ nhỏ bứt rứt một cách nghịch lý (paradoxical irritability).
-------

🌺CÂU CHUYỆN 5: CÁCH THỨC ĐỂ LÀM GIẢM CƠN HO

Đọc đến đây hẳn cha mẹ đã đỡ lo lắng, nhưng tâm lý vẫn bị bứt rứt khi thấy trẻ ho. Vì thế, cha mẹ có thể áp dụng những cách thức sau đây để giúp giảm cơn ho (tạm thời) cho trẻ:

- Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên thì có thể dùng mật ong để giảm các triệu chứng ho. Khuyến cáo này dựa trên nghiên cứu đối chứng giữa ba nhóm trẻ từ 2 tuổi trở lên ho đêm rất nhiều: một nhóm sử dụng mật ong, một nhóm sử dụng giả dược và một nhóm sử dụng thuốc ho có dextromethorphan. Và kết quả cho thấy, nhóm uống mật ong có giảm ho so với hai nhóm kia và hai nhóm kia ho như nhau. Và trong nghiên cứu này, người ta không thấy có biến chứng bị viêm phổi nếu dùng mật ong để giảm ho.

- Đối với trẻ nhỏ tuổi hơn, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giảm cơn ho.
------

🌺CÂU CHUYỆN 6: CÁCH THỨC RỬA MŨI GIẢM NGHẸT

Đối với trẻ bị sổ mũi thì cha mẹ không cần phải cho trẻ uống thuốc hay siro trị ngạt mũi bởi vì thuốc này sẽ làm cho nước mũi của trẻ bị khô đặc lại và gây nghẹt mũi thêm, đồng thời nó cũng làm đặc chất nhầy trong phổi khiến trẻ có nguy cơ khó thở khò khè. Thay vào đó, cha mẹ có thể áp dụng những cách thức sau:

- Dùng dụng cụ hút mũi để hút mũi cho trẻ. Không nên dùng miệng để hút mũi trực tiếp bởi cách này có thể lây bệnh cho trẻ.

- Có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ vào mũi hoặc dùng chai xịt chứa nước biển sâu, hoặc nước thường cũng được miễn là nước sạch. Các loại nước nhỏ mũi hay nước biển sâu này có thể dễ dàng tìm mua ở các nhà thuốc mà không cần toa của bác sĩ.

- Để trẻ ngồi, đầu hơi cúi về phía trước, rồi dùng nước biển sâu hoặc nước muối sinh lý xịt vào mũi của bé, hoặc có thể để trẻ nằm nghiêng rồi xịt vào một bên mũi để nước chảy qua mũi bên kia.

Việc rửa mũi không hề đẩy dịch nhầy vào sâu bên trong xoang, nó chỉ giúp cho nước mũi loãng ra và dễ chảy ra hơn. Sau khi dịch mũi được làm loãng, cha mẹ có thể dùng tăm bông ngoáy lấy dịch ra nếu là trẻ sơ sinh, hoặc yêu cầu trẻ xì ra nếu trẻ đã lớn. Tuy nhiên cần lưu ý, đối với những trẻ dễ bị chảy máu thì không nên xì mũi vì việc này có thể làm cho mạch máu dễ vỡ và gây ra chảy máu mũi.

Cha mẹ cùng lưu ý không nên dùng nước ấm nhỏ thêm tinh dầu để xông mũi cho trẻ vì có thể gây sưng viêm mạc mũi, khiến cho việc thở của trẻ khó khăn hơn.

------------

🌿Mời các bậc cha mẹ đón đọc “Series Chuyện cảm - ho - sổ mũi của trẻ - Phần 2” với các nội dung sau:
- Triệu chứng sốt
- Cảm do siêu vi và cảm do vi khuẩn
- Viêm cấp có nguy hiểm không?

Trích từ sách "Để con được ốm" của BS Nguyễn Trí Đoàn

#Victoria_Healthcare
#Dr_Nguyễn_Trí_Đoàn #BS_Nguyễn_Trí_Đoàn
#mẹ_và_bé #mom_and_kid_care #Nuôi_con_đúng_cách
#chuyện_cảm_ho_sổ_mũi_ở_trẻ
1
18 tháng
Tường Ngân
Mẹ xem thửu bài này nhé
18 tháng
Đăng nhập
Đăng nhập để viết bài và nhận nhiều tiện ích khác.
Đăng nhập với Facebook
Đăng nhập với Google
Tải [Bé Của Mẹ] về điện thoại
Cài đặt miễn phí ứng dụng để không bỏ lỡ hàng ngàn tin tức, chia sẻ nóng hổi nhất từ Bé Của Mẹ nhé!
Like Fanpage
Like Fanpage và viết đánh giá để chúng tôi nỗ lực tạo ra sản phẩm tốt hơn nữa!
Sản phẩm được phát triển bởi Bé Của Mẹ bằng