?BÀI HỌC TỪ BÁC SĨ TRÍ ĐOÀN?
1. CÁI CÂN CHỈ NÊN ĐO NGƯỜI LỚN THƯỜNG XUYÊN, TRẺ CON THÌ ĐỪNG, vì:
- Để đánh gía tăng trưởng của bé cần 3 yếu tố đồng thời: CHIỀU CAO, CÂN NẶNG, VÒNG ĐẦU.
- Các chỉ số tại 1 thời điểm không có giá trị để đánh giá con, cần theo dõi con trong cả quá trình.
- Bé dưới 6 tháng thì 2 tháng cân đo 1 lần, trên 6 tháng thì nửa năm cân đo 1 lần cũng được. Còn mấy người lớn lớn ăn nhiều thì ngày nào cũng nên đo =))
- Không có chỉ số chuẩn theo tháng tuổi nào kiểu như: tầm 6 tháng thì cũng phải 8kg rồi chứ. Chỉ có chỉ số chuẩn của con, riêng con thôi. Bố mẹ có người cao người thấp, người béo người gầy, sao lại bắt con phải theo 1 cái chuẩn của ai đó nhỉ.
- Cân nặng của con lúc lên lúc xuống là bình thường, 2 chỉ số còn lại mà xuống thì không bình thường thôi.
- Cân nặng, chiều cao lúc sinh không nói lên bách phân vị của con, mà phản ánh dinh dưỡng từ mẹ truyền qua bé thôi. Nên không mang điểm xuất phát ra để so sánh với các mốc sau này.
- Để xem em bé có tăng trưởng tốt không, hãy theo dõi bảng tăng trưởng của bé (Growth Chart), chỉ số bách phân vị là chỉ số lâm sàng thường dùng nhất để đánh giá kích thước và sự phát triển của trẻ em Mỹ. Có thể tự theo dõi bằng cách tải phần mềm “Growth Chart” trên các apps điện thoại, bác Đoàn dùng app “Pediatric Growth Charts” của Bệnh viện Nhi Boston để theo dõi.
- Chỉ số trung thực nhất để đánh giá sự tăng trưởng đó là chiều cao nhe các mẹ.
- Bé trên 2 tuổi sẽ đo thêm chỉ số BMI ? cân nặng(kg)/chiều cao(m)^2), bảng hiển thị BMI >85% là con có nguy cơ thừa cân, >95% là con có nguy cơ béo phì.
- Trẻ em ở Việt Nâm bây giờ ít cơ hội suy dinh dưỡng lắm, dinh dưỡng được ví như pin điện thoại, nếu con chạy nhảy chơi suốt ngày thì là bé có pin rất dư, nếu thiếu dinh dưỡng con không thể đủ năng lượng để hoạt bát được.
Nên tóm lại là, bác sỹ dặn các bà các mẹ, đừng có quan tâm cân nặng của con, mà phải theo dõi cả tiến trình, nếu bé vẫn tăng trưởng theo kênh riêng của bé thì không cần lo lắng, con vẫn chạy nhảy chơi đùa hằng ngày thì bố mẹ cũng nên quẳng cái cân đi mà vui vẻ chơi cùng con. Từ giờ trở đi, các mẹ cũng đừng hỏi trẻ con nhà khác: bé được mấy kg rồi nhé, đừng so sánh bọn trẻ với bất kỳ ai, bởi đơn giản nếu bạn bị đem ra so với đứa bên cạnh thì bạn cũng có vui gì đâu ^^.
2. HỎI ĐÁP VỚI BÁC ĐOÀN:
Có mấy câu mình thấy thú vị nên ghi lại:
- Bé uống sữa công thức có hại không? —>Sữa công thức là sữa thay thế cho sữa mẹ trong 1 số trường hợp do người mẹ không cho con bú được. Thay thế là sao? Ví dụ trên sân bóng người ta thay Công Phượng bằng cầu thủ A thì trận đấu vẫn diễn ra và không phải là bởi vì không có Công Phượng nên không thể thắng. SCT không xấu, nó chỉ không tốt bằng sữa mẹ mà thôi. Bác dặn chỉ nên uống SCT tới 1 tuổi thôi, sau đó nếu vẫn uống sữa thì có thể thay bằng sữa tươi, bé uống sữa hạt cũng được nhưng sẽ ít canxi hơn sữa tươi.
- Về sắt và ăn dặm, nhiều câu hỏi về vấn đề này nhưng tổng hợp ý kiến lại rằng: sau 6 tháng, sữa thay thế dần bằng ăn dặm, nếu ăn dặm ít thì nguy cơ thiếu sắt cao vì sữa mẹ lúc này không đủ lượng sắt để tạo hồng cầu, dễ dẫn tới thiếu máu do thiếu sắt. Bé uống nhiều sữa thì sẽ ít muốn ăn dặm và ngược lại, không nên cắt hẳn sữa thay bằng ăn dặm, giảm từ từ tới 1y thì có thể ngưng sữa hoàn toàn.
- Xét nghiệm vi chất: Bác cũng dặn đừng có đưa con đi xét nghiệm vi chất làm gì vì không cần thiết.
- Về vấn đề tẩy giun: Trẻ em bây giờ ít có cơ hội lăn lê bò toài dưới đất nên ít có cơ hội nhiễm giun. Thông thường em bé 2 tuổi trở lên thì mới tẩy giun, nhưng nếu trước 2y mà thấy giun ra thì vẫn có thể tẩy nhé.
- Về vấn đề bỏ bỉm: đeo bỉm thường xuyên không ảnh hưởng tới sức khoẻ hay cơ quan sinh dục của bé, tới tuổi tập đi toilet thì dạy con (thường là 1,5 - 2y).
- Uống SCT làm thế nào để tăng đề kháng? —> Tăng đề kháng bằng cách để cơ thể con tự học, tăng khả năng chống chịu bệnh bằng cách tiếp xúc với bệnh và tạo kháng thế (Đọc “Để con được ốm” để hiểu rõ), và nhớ chích ngừa đầy đủ đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như viêm màng não, phế cầu, HIB, uốn ván, bạch hầu…, thêm nữa là ăn uống cân bằng. Cách tốt nhất là duy trì sữa mẹ, nhưng đừng cho bú đêm nhé.
- Giấc ngủ của con bao lâu là đủ: không có con số nào là đủ, con ngủ theo nhu cầu, dậy hoạt động vui chơi bình thường thì là đủ. Trẻ thực sự thiếu ngủ sẽ uể oải, không hoạt bát.
- Tắm nắng: Giờ tắm nắng tốt nhất là 10h sáng tới 3h chiều vì giờ đó tia UVB mới hoạt động, mới có thể tổng hợp được vitamin D. Còn không thì uống D cho tới khi biết chạy ra ngoài nắng vào giờ đó. Nếu tới già mà vẫn chưa biết chạy ra nắng giờ đó thì vẫn uống D nhé hihi…
- Mọc răng và chăm sóc răng: bé mọc răng sớm hay muộn không liên quan tới thiếu chất hay không, răng được hình thành từ trong bào thai, nhưng giấu dưới lợi, lúc nào nó thích nó sẽ trồi lên nhé bố mẹ. Mọc răng càng sớm thì cơ hội sâu răng càng cao. Khi con có cái rằng đầu tiên phải chà răng cho con hằng ngày, không chà bằng nước muối mà chà bằng kem đánh răng có chứa flour (lấy lượng bằng 1 hạt gạo), khi nào con biết nhổ ra thì dùng lượng bằng 1 hạt đậu.
- Sắt uống khi nào: uống lúc đói, uống kèm vitamin C càng tốt.
- Hoa quả ăn lúc nào? Ăn lúc nào cũng được. Ăn hoa quả lúc đói không làm đau dạ dày. Đau dạ dày là do vi khuẩn, hoặc dùng thuốc nhiều gây đau.
- Con ăn gì đi ra nấy thì có sao không? Không sao, các chất tinh bột, đạm, chất béo khi ăn vào sẽ có enzym sản sinh ra để tiêu hoá, chất xơ chưa tiêu hoá được thì nó sẽ đi ra nguyên.
- Bé biếng ăn sinh lý có sao không? Biếng ăn sinh lý là bình thường nhé các mẹ, biếng ăn bệnh lý do bị bệnh nên không muốn ăn. Cần phân biệt rõ 2 cái này.
Bác sĩ Trí Đoàn là ai?
Kinh nghiệm y khoa: 22 năm 3 tháng
- Phó Trưởng Khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2, Tp.HCM
- Giảng viên & Hướng dẫn viên các chương trình giảng dạy về săn sóc sơ sinh và cấp cứu nhi cho các bác sỹ và điều dưỡng của một số bệnh viện tại Tp. HCM và các tỉnh như An Giang, Sóc Trăng, Bình Thuận
- Trưởng khoa Nhi - Trưởng bộ phận Y học chứng cứ, Phòng Khám Quốc tế Victoria Healthcare.
Tác giả cuốn sách: “ĐỂ CON ĐƯỢC ỐM”
Nguồn: sưu tầm